Nguồn gốc và sự phát triển Đồ gốm hoa lam

Cái bát bằng đất nung tráng men thiếc Hồi giáo, với trang trí xanh lam và trắng, Iraq, thế kỷ 9. Hai dòng chữ thư pháp Ả Rập là ghibta, nghĩa là "hạnh phúc".[3]

Men lam lần đầu tiên được phát triển bởi người Lưỡng Hà cổ đại để mô phỏng lapis lazuli, một loại đá được đánh giá cao. Muộn hơn, một loại men màu xanh lam coban trở nên phổ biến trong đồ gốm Hồi giáo trong thời kỳ caliph Abbas, trong thời gian này coban được khai thác gần Kashan, Oman và miền bắc Hejaz.[4][5]

Gốm hoa lam thời Đường và Tống

Đồ gốm hoa lam Trung Hoa thời kỳ đầu, khoảng năm 1335, thời Nguyên; đồ gốm Cảnh Đức Trấn.

Những món đồ gốm sứ màu xanh lam và trắng đầu tiên của Trung Quốc được sản xuất vào đầu thế kỷ 7 ở huyện Củng, Hà Nam dưới thời Đường, mặc dù người ta mới chỉ phát hiện ra những mảnh vỡ.[6] Gốm màu xanh lam trắng thời Đường hiếm hơn gốm màu xanh lam trắng thời Tống và chưa được biết đến trước năm 1985.[7] Tuy nhiên, các đồ vật thời Đường không phải bằng sứ mà là đồ đất nung có nước áo màu trắng ánh xanh lục, sử dụng các sắc tố xanh lam coban.[7] Ba đồ vật gốm hoàn chỉnh duy nhất thuộc "gốm lam trắng thời Đường" trên thế giới được trục vớt từ con tàu đắm ở Belitung khoảng năm 830[8] (Indonesia) vào năm 1998 và sau đó được bán sang Singapore.[9] Dường như kỹ thuật này đã bị lãng quên trong vài thế kỷ.[4]

Vào đầu thế kỷ 20, sự phát triển của gốm hoa lam cổ điển trong nghề gốm sứ Cảnh Đức Trấn được cho là có từ đầu thời Minh, nhưng hiện nay người ta nhất trí rằng những đồ sứ này đã bắt đầu được làm vào khoảng năm 1300-1320, và đã phát triển hoàn chỉnh vào giữa thế kỷ này, như được David Vases công bố là năm 1351, là nền tảng cho niên đại học này.[4][10] Vẫn có những tác giả tranh luận rằng các đồ vật gốm hoa lam ban đầu này bị định sai niên đại và thực tế là có sớm hơn, từ thời Nam Tống,[10] nhưng các học giả khác tiếp tục bác bỏ quan điểm này.[11]

Phát triển trong thế kỷ 14

Vào đầu thế kỷ 14, việc sản xuất hàng loạt đồ sứ hoa lam trong mờ và tinh xảo bắt đầu ở Cảnh Đức Trấn, đôi khi được gọi là kinh đô đồ sứ của Trung Quốc. Sự phát triển này là nhờ sự kết hợp của các kỹ thuật Trung Quốc với thương mại Hồi giáo.[12] Đồ gốm mới được tạo ra là nhờ việc xuất khẩu coban từ Ba Tư (gọi là 回回青, "Hồi Hồi thanh", nghĩa đen là bột màu lam Hồi giáo), kết hợp với chất lượng trắng trong mờ (thấu quang) của đồ sứ Trung Quốc, có nguồn gốc từ cao lanh.[12] Bột màu xanh lam coban được coi là một mặt hàng quý giá, với giá trị gần gấp đôi vàng.[12] Các họa tiết cũng lấy cảm hứng từ các trang trí Hồi giáo.[12] Một phần lớn đồ gốm hoa lam này sau đó được chuyển bằng tàu thuyền đến các thị trường Tây Nam Á thông qua các thương nhân Hồi giáo có trụ sở đặt tại Quảng Châu.[12]

Đồ sứ hoa lam Trung Quốc là nung một lửa: sau khi xương sứ được sấy khô, nó được trang trí bằng bột màu xanh lam coban tinh khiết trộn với nước và dùng bút vẽ vẽ lên, sau đó được tráng một lớp men trong và nung ở nhiệt độ cao. Từ thế kỷ 16, các nguồn bột màu xanh lam coban tại địa phương bắt đầu được phát triển, mặc dù bột màu xanh lam coban Ba Tư vẫn là loại đắt nhất.[12] Sản xuất đồ gốm hoa lam vẫn tiếp tục tại Cảnh Đức Trấn cho đến ngày nay. Đồ sứ hoa lam được làm tại Cảnh Đức Trấn có lẽ đã đạt đến đỉnh cao về độ tinh tế kỹ thuật dưới thời hoàng đế Khang Hy của triều đại nhà Thanh (1661–1722).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đồ gốm hoa lam http://www.chinaonlinemuseum.com/ceramics-blue-and... http://www.history-science-technology.com/notes/no... http://www.koh-antique.com/lyc/belitung_shipwreck.... http://www.maritime-explorations.com/belitung%20ar... http://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/205489... http://idlethink.wordpress.com/2009/07/14/curating... http://www.asia.si.edu/exhibitions/online/iraqChin... //dx.doi.org/10.1080%2F20548923.2016.1272310 http://www.metmuseum.org/art/metpublications/Japan... http://www.metmuseum.org/works_of_art/collection_d...